Ngày vì Nạn nhân chất độc da cam 10.8: Vượt qua nỗi đau
VHO- Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tỉnh Kon Tum là một trong những địa phương bị rải chất độc da cam (dioxin). Chất độc này đã để lại nỗi đau cho nhiều gia đình đến ngày hôm nay.
Ông Phạm Văn Minh, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy là một trong những nạn nhân da cam làm kinh tế giỏi
Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Kon Tum đã có nhiều hoạt động để giúp đỡ hội viên vơi đi những khó khăn, vượt lên số phận hòa nhập với cộng đồng.
Những tấm gương sáng
Trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ tại tỉnh Quảng Ngãi, 2 vợ chồng bà Trần Thị Cảnh trú tại thôn Hòa Bình, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy bị phơi nhiễm chất độc da cam. Chất độc không chỉ gây tổn thương đến sức khỏe của ông bà mà còn để lại những di chứng trên thân thể thế hệ con, cháu. Trong đó, nặng nhất là người con trai Nguyễn Minh Nhân sinh năm 1985 bị hở hàm ếch, rối loạn thần kinh. Trong suốt nhiều năm liền, vợ chồng bà Cảnh vừa làm kinh tế, vừa đồng hành cùng con trai, giúp anh vượt qua sự tự ti, mặc cảm về bệnh tật. Sau chặng đường không mệt mỏi để chiến thắng số phận, đến nay anh Nhân đã có trong tay 2 ha cao su, cà phê. Bên cạnh đó, anh cũng tận dụng vườn nhà để xây dựng chuồng trại, nuôi thêm bò thịt và bò phối giống. Thu nhập hiện tại của gia đình anh đạt khoảng trên 15 triệu đồng/tháng.
Tương tự, ông Phạm Văn Minh trú tại thôn 14, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cũng là một trong những nạn nhân da cam làm kinh tế giỏi. Hơn 10 năm trong quân ngũ, ông Minh đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào, mặt trận Miền Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc… Suốt chặng đường hành quân ấy, ông không thể nhớ rõ địa điểm mình đã nhiễm chất độc da cam. Chỉ đến khi sức khỏe suy yếu dần, thêm vào đó người con trai thứ sinh năm 1985 của ông mang dị tật hở hàm ếch, ông Minh mới biết bản thân đã nhiễm loại chất độc này. Sau khi phục viên, ông Minh đưa gia đình từ Thanh Hóa vào định cư tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Dù mang trong người những thương tổn do bom đạn, ảnh hưởng bởi chất độc da cam nhưng ông luôn cố gắng làm giàu từ đôi bàn tay mình. Trên diện tích hơn 2ha nương rẫy ông trồng cà phê, cao su. Trong vườn nhà, ông luân phiên trồng các loại cây như dứa, na thái, nghệ trắng… Với nỗ lực không ngừng, ông đã trở thành một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.
Chung tay xoa dịu nỗi đau
Ông Lê Khắc Minh, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Sa Thầy cũng là người bị phơi nhiễm, nên ông Minh thấu hiểu nỗi đau của những gia đình nạn nhân chất độc da cam. Bởi vậy, trong suốt những năm qua, ông cùng với các cán bộ hội vận động các nguồn xã hội hóa, xây dựng được 5 căn nhà và hỗ trợ 9 con bò sinh sản cho gia đình nạn nhân chất độc da cam khó khăn trên địa bàn. Nhờ vậy, đến nay đời sống của hơn 30 nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Sa Thầy đều được đảm bảo. “Nạn nhân da cam là những người thiệt thòi cả về kinh tế, vật chất, tinh thần, anh em chúng tôi xác định cán bộ được anh em trực tiếp bầu ra thì phải lo cho anh em, ngoài động viên tinh thần, gặp mặt động viên ra còn động viên về vật chất, vận động những doanh nghiệp, công ty, đơn vị hỗ trợ để lấy tiền đó để lúc anh em, bà con đau ốm thì thăm hỏi, lúc không may mất thì đi phúng viếng”, ông Minh chia sẻ.
Theo thống kê của ngành chức năng, tỉnh Kon Tum có gần 7.770 người tham gia kháng chiến và con, cháu họ bị nghi nhiễm chất độc da cam. Cùng với sự nỗ lực của mỗi cá nhân, trong những năm qua chính quyền địa phương, các cấp hội Nạn nhân chất độc da cam cũng luôn đồng hành, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình nạn nhân. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Kon Tum đã kêu gọi được hơn 4,5 tỷ đồng từ sự ủng hộ của các tổ chức, các nhân. Với nguồn kinh phí đó, Hội đã xây dựng nhà ở, trao tặng bò sinh sản và hỗ trợ các chi phí khám chữa bệnh cho các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam.
Chiến tranh đã đi qua, những cánh rừng từng bị cháy khô vì chất độc da cam đã được phủ xanh trở lại, thế nhưng nỗi đau da cam vẫn còn hiện hữu, ám ảnh. Mong ước của những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam chỉ giản đơn là có đủ sức khỏe, tự nuôi sống bản thân bằng đôi bàn tay của mình. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ước mơ bình dị ấy, vẫn cần lắm những tấm lòng và những việc làm cụ thể để tạo nguồn sinh kế bền vững cho gia đình các nạn nhân chất độc da cam.
NGỌC HÒA